Tải game SpellForce 2: Shadow Wars full crack miễn phí - RipLinkNerverDie
Spellforce 2: Shadow Wars là một sự kết hợp giữa game chiến lược thời gian thực và game nhập vai được tạo ra bởi nhà phát triển trò chơi Đức PhenomicThông thường, người ta ít có xu hướng kết hợp những thể loại game không có điểm tương đồng với nhau, chẳng hạn những game có tiết tấu nhanh như bắn súng ít khi nào đi chung với game phiêu lưu đòi hỏi tính kiên nhẫn cao. Ấy vậy mà vào năm 2004, hãng Phenomic lại đưa thị trường game trò chơi SpellForce có lối chơi dung hòa giữa hai thể loại RPG và RTS. Số lượng trò chơi như vậy đạt được thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay, vài game điển hình như: Sacrifice, Savage, Warcraft III, v.v... SpellForce cũng nằm trong số những game “ít ỏi” ấy. Trong năm nay, trò chơi này tiếp tục “thay da đổi thịt” hoàn toàn trong phiên bản mới SpellForce 2: Shadow Wars (SF2), với những cải tiến về đồ họa, nhân vật và trên hết là phát huy lối chơi - vốn đã tạo được tiếng nói cho bản thân trong cộng đồng người chơi game.Bóng đêm huyền bí
Đã từ rất lâu, trên vùng đất Eo tồn tại ba chủng tộc: Dark Elves, Shaikan và Con Người. Cả ba hoạt động trên những khu vực phân định rạch ròi, không ai xâm phạm ai. Tuy nhiên, lãnh thổ của Dark Elves lại là vùng có nền hoà bình mong manh nhất do bị chủng tộc Shadow, tiền thân cũng là Dark Elves nhưng đã tách thành một chủng tộc riêng, sử dụng phép thuật của bóng tối, xâm chiếm và làm dấy lên một cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm hòng tước đoạt quyền cai trị trên khắp lãnh thổ. Tình hình càng tồi tệ hơn khi sức chống đỡ của Dark Elves ngày càng trở nên suy yếu trước những làn sóng tấn công dồn dập của Shadow. Trong một trận giao tranh khủng khiếp, đội quân Shadow chọc thủng được lâu đài Dragon, Craig Un’Shallach, thủ lĩnh Dark Elf đành gửi con gái của mình là Nightsong đi cầu viện hai chủng tộc còn lại. Người đón nhận hung tin đầu tiên chính là một chiến binh Shaikan quả cảm, mang dòng máu rồng cuồn cuộn trong cơ thể. Cảm nhận được mối nguy hiểm đến từ phía đạo quân Shadow có nguy cơ lan tràn ra khắp Eo. Bạn quyết định giúp đỡ Nightsong kêu gọi liên minh, nhưng nhiệm vụ này không hề đơn giản vì nhóm của bạn phải vượt qua một chuyến hành trình nguy hiểm, không chỉ đến từ các thế lực đối địch mà còn bao gồm cả sự nghi ngờ và đố kị giữa các chủng tộc với nhau...
Hai trong một
Do lối chơi của SF2 được cấu thành từ hai thể loại game kết hợp với nhau, nên sẽ dễ nắm bắt hơn nếu ta xem xét riêng từng thể loại. Phải nói rằng, tố chất RPG chính là “chất xúc tác” của toàn bộ xêri SpellForce. Vì vậy, nếu có những thay đổi thì RPG sẽ được cân nhắc đến trước tiên.
Điểm nổi bật của yếu tố RPG trong game là khả năng tùy biến nhân vật khá cao, đem lại cho người chơi nhiều lựa chọn trong việc xây dựng một nhân vật hợp với sở thích của mình. Khi bắt đầu, các nhân vật đều có chung một chỉ số, trang phục và hoàn toàn không ai mạnh hơn ai. Trong quá trình chơi, người chơi sẽ thu được những trang bị và từ đó quyết định “lái” nhân vật theo hướng phù hợp. Một điểm khác không thể thiếu trong game RPG là các kỹ năng và cách phân bổ. Điểm độc đáo trong SF2 là kỹ năng sẽ ảnh hưởng tới vai trò của nhân vật (phù thủy, chiến binh...), chứ không phải vai trò ảnh hưởng tới kỹ năng như các game khác. Mỗi nhân vật sẽ có ba hướng lựa chọn gồm: chiến binh, phù thủy và y sĩ. Bạn chọn vai trò nào thì sẽ được phân bố vào cột kỹ năng tương ứng. Mỗi cột như vậy lại chia làm hai hướng nhỏ , ví dụ phù Thủy được chia thành pháp sư và kẻ gọi hồn, chiến binh thì được chia thành light và heavy... Chưa kể, số lượng kỹ năng rất phong phú, lên tới... 100 loại! Vì thế chắc chắn người chơi sẽ rất thoải mái trong chọn lựa.
Tất nhiên, cho dù là thể loại RPG nào đi nữa thì cũng không thể thiếu những màn chạm trán, đụng độ với đối thủ và những lúc như vậy, hệ thống chiến đấu của SF2 tỏ ra khá hiệu quả. Ngoài kiểu “trỏ và đánh” thường thấy, bạn còn một cách khác là dùng phép tấn công quái vật khá hữu ích trong nhiều trường hợp. Thay vì phải chọn một nhân vật, chọn kỹ năng rồi nhấp vào quái vật để tấn công, sau đó chuyển tương tự sang nhân vật khác khá bất tiện, bây giờ người chơi chỉ cần chọn quái vật cần tấn công, một danh sách các kỹ năng sẽ “xổ” xuống ngay phía dưới hình nhân vật và bạn chỉ việc nhấp vào kỹ năng mình chọn, máy sẽ tự động tấn công quái vật bằng kỹ năng đó ngay! Nói chung, cách làm này khá hiệu quả khi cần phải thao tác nhanh hoặc lúc tấn công đồng loạt một tên trùm hay thủ lĩnh nào đó. Điều khó hiểu ở đây là game không hề có phím tắt nào dành cho các kỹ năng của nhân vật, vì vậy hiệu suất điều khiển bị giảm đi rõ rệt. Được cái, các nhân vật trong game “khá lì” vì mỗi nhân vật đều có chung dòng máu rồng trong cơ thể và liên kết với nhau bằng phép thuật. Chừng nào một trong những nhân vật của nhóm còn sống, chừng đó bạn còn có thể hồi sinh các nhân vật còn lại (nếu quá khoảng 2 phút mà không được hồi sinh nhân vật đó sẽ chết vĩnh viễn, và dĩ nhiên, bạn sẽ thua cuộc)
Nếu có bất kỳ một hạn chế nào trong yếu tố RPG của SF2, thì đó chính là thời gian khá dài để nhân vật gia tăng cấp độ. Đây cũng là lý do vì sao không thể cộng điểm kỹ năng tùy ý, tạo ra một nhân vật đa vai trò được. Việc nâng cấp dựa trên điểm kinh nghiệm và kỹ năng thu được trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ lớn (quest), nhỏ (subquest) cũng như tiêu diệt quái vật trong game. Tuy nhiên, số lượng điểm kinh nghiệm thu được lại rất ít, thậm chí không có (chỉ khi tiêu diệt thủ lĩnh đối phương thì bạn mới nhận được một lượng điểm kinh nghiệm kha khá). Còn lại, chủ yếu người chơi phải bỏ công sức ra thực hiện các nhiệm vụ, vì đây mới chính là nguồn thu điểm kinh nghiệm chủ yếu. Có điều, những nhiệm vụ này thường dài và phải tốn nhiều thời gian để tìm ra địa điểm.
Quân đội ở đâu ra trong SF2? Dĩ nhiên là từ các khu căn cứ do bạn xây dựng và đây chính là lúc thể loại RTS ra tay. Về hình thức, game hoàn toàn không khác các game dàn trận kia là mấy. Vẫn chừng ấy công việc phải làm như tạo công nhân, khai thác tài nguyên, xây nhà và sản xuất quân đi chinh phạt... được cái là có một số cải tiến nho nhỏ để người chơi thuận tiện hơn. Chẳng hạn, bạn có thể bắt các công nhân tự động đi khai thác thay vì phải chọn và gán thủ công cho từng người.
Game không đặt nặng về mặt RTS, nên các công trình đều ít và dễ nắm bắt. Chủ yếu game tập trung vào khai thác sự đa dạng của các loại binh chủng. Có tất cả 9 chủng tộc trong game gồm Humans, Elves, Dwarves, Trolls, Orcs, Barbarians, Dar Elves, Gargoyles va Shadows chia làm ba nhóm Alliance of Light, Horde of Chaos và Brotherhood of Darkness. Khi chọn một nhóm, nghĩa là bạn được phép điều khiển tất cả các loại quân của các chủng tộc thành phần. Đáng chú ý nhất, phải nhắc đến sự xuất hiện của các Titans - binh chủng mạnh nhất có sức mạnh, kích thước hơn hẳn các loại quân khác và mỗi nhóm chỉ có một Titans độc nhất vô nhị cho mình! Phe Alliances of Light có Lifebringer - Thiên sứ của nữ thần sự sống Tiara; Horde of Chaos có Ragefire - quái vật lửa na ná trong phim Lord of The Rings, còn Brotherhood of Darkness thì có The Netherbeast - một sinh vật man dại có vũ khí là cặp càng to khủng khiếp! Tuy nhiên, tạo loại quân đặc biệt này, bạn phải tốn một lượng tài nguyên kha khá và phải nâng cấp rất nhiều nhà.
Rất tiếc, SF2 cũng mắc phải một khuyết điểm khá lớn thường gặp ở các game RTS là AI, chiến thuật đánh của máy kém hiệu quả và chỉ có thể làm khó người chơi ở mặt sản xuất lính nhanh gấp rưỡi. Thêm nữa, khả năng tìm đường của máy rất kém, chẳng hạn căn cứ của đối phương nằm trên một ngọn đồi, bạn bố trí quân phía dưới bắn lên thì máy hoàn toàn “đờ” ra để bị tiêu diệt, chứ không biết gọi cứu viện hay tìm đường vòng xuống chống trả. Có một điểm khá nực cười: quân máy tuy đông nhưng lại hay bố trí “dồn cục” tại căn cứ, nên nếu bạn lỡ dại mà tấn công thì sẽ bị... cả một quân đoàn “dí” rất thê thảm, thậm chí nhiều khi... còn bị “dí” đến tận căn cứ nữa đấy! Dụ đối phương, phục kích hay ưu tiên tiêu diệt hero trước, hoàn toàn không có trong “từ điển” của quân máy.
Đồ họa cải tiến
Phần hình ảnh của SF2 được chia thành hai mảng: khung cảnh và nhân vật. Và may mắn là cả hai đều có chất lượng rất tuyệt vời. Khung cảnh trong game được thiết kế rất bắt mắt và nêu bật được đặc điểm của mỗi vùng đất. Nhất là khi chuyển sang chơi các màn RPG, góc nhìn ngôi thứ ba sẽ đem lại cho người chơi cái nhìn cận cảnh cụ thể hơn: môi trường được thiết kế chi tiết với những rừng cây xanh rờn bên con thác ầm ầm trắng xóa hơi nước, trời xanh thẫm và nổi bật hiệu ứng tỏa sáng (glow), làm cho khung cảnh càng giống trong xứ sở thần tiên! Các nhân vật tuy được “đúc” chung từ một khuôn mẫu nhưng đều có nét riêng của mình: nhân vật nam trông rất khỏe khoắn, còn nữ thì khá gợi cảm! Đặc biệt, những trang bị khoác bên ngoài nhân vật được thực hiện hết sức tỉ mỉ trong từng đường nét, thậm chí cả chuyển động của vạt áo tung bay cũng được làm rất “nhuyễn”.
Điểm khiến người viết hài lòng nhất khi nhận xét về phần âm thanh của SF2 là nhạc nền được đầu tư rất công phu. Vừa mang âm hưởng hoành tráng, hùng hồn như bộ phim dã sử hấp dẫn King Arthur, lại vừa huyền bí bởi chất giọng ca sĩ du dương giống hệt như trong Lord of The Rings. Nhạc nền xem ra rất “ăn khớp” với nội dung game, lột tả được không khí chiến tranh giữa các chủng tộc đồng thời vẫn giữ được vẻ trầm lắng, bí ẩn của vùng đất thần tiên Eo.
Lời kết
Không phủ nhận SF2 đã có những cải tiến tốt và đủ quan trọng, làm người chơi phải “lật” sang trang mới đánh giá lại từ đầu. Nhưng, người viết cảm giác có một cái gì đó không thỏa đáng trong SF2. Những thay đổi đáng lẽ phải giúp nâng giá trị game lên tột đỉnh, thì chúng chỉ dừng lại ở mức “nửa vời”. Nói đơn giản hơn, song song với cải tiến lại có những khuyết điểm kéo tụt game lại. Dù vậy, khuyết điểm cũng không thể át được phần đồ họa tuyệt hảo của game!