God Eater 2: Rage Burst thực tế là bản làm lại của God Eater 2 – vốn ra mắt hồi năm 2013 trên các hệ máy PSP và PS Vita, do đó cũng nên nhắc lại một chút về cốt truyện đặc thù của dòng game này.
Không như Monster Hunter vốn chú trọng vào mảng chơi mạng và thường có cốt truyện khá “chung chung” không liên quan đến nhân vật cho lắm – dòng God Eater lại hướng người chơi tiếp cận theo một góc độ khác.
Trong God Eater, kẻ thù chung của nhân loại là một chủng tộc quái vật có tên gọi Aragami. Chúng là những con quái thú có trí tuệ rất cao, đi kèm năng lực chiến đấu cực mạnh. Aragami có khả năng ăn tươi nuốt sống mọi dạng vật chất và liên tục tiến hóa, hấp thụ những đặc tính của thứ đã ăn – điều đó khiến chúng cực kỳ nguy hiểm. Chỉ có một số cá thể đặc biệt của loài người – những “God Eater” tương thích với một dạng vũ khí đặc biệt là God Arc mới có thể đánh bại được bọn Aragami.
Với sự xuất hiện của Aragami, nhân loại hầu như đang đứng trước bờ vực của sự diệt vong, khi các thành phố đều bị tàn phá một cách thê thảm và trở thành “sân chơi” của lũ quái vật. Một tổ chức thần bí ra đời với tên gọi FENRIR – nơi quy tụ và đào tạo các God Eater với mục tiêu trở thành chiến lũy cuối cùng của loài người. Từ việc tìm kiếm những cá nhân xuất sắc, tiến hành các thí nghiệm sinh hóa để tìm ra sự tương thích với các God Arc, cho đến đào tạo và thực chiến – FENRIR lo tất.
God Eater 2: Rage Burst đẩy cốt truyện của dòng game đi xa hơn một chút – khi giới thiệu về các tinh anh của Blood, một nhóm đặc nhiệm được xem là mạnh nhất của tổ chức FENRIR. Khi mối hiểm họa đe dọa toàn cầu “Devouring Apocalyse” đã bắt đầu biến hóa thành một công trình được gọi là Spiral Tree và nhiều hiện tượng lạ liên tục xảy ra – các thành viên mới của Blood, bao gồm người chơi, được cử đi điều tra tại thực địa. Bí ẩn chôn giấu đó là gì? Tương lai của nhân loại sẽ đi về đâu? Chỉ có người chơi mới tự thân giải đáp được mà thôi.